Giải pháp toàn diện Điện Quang

Khi chiếu sáng không còn nhìn thấy bóng đèn

(KTSG) – Khi ông Bùi Khoa Nam, Trưởng nhóm Nghiên cứu phát triển phần mềm khối IoT của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, gọi “Mai Ca ơi”, tiếng phụ nữ trả lời: “Vâng”, ông Nam nói tiếp “Tôi đã về nhà”. Vài giây sau, giọng nữ ấy lại thánh thót vang lên: “Yêu cầu của bạn đã được thực hiện”, cùng lúc, rèm cửa tự động kéo mở trong phòng, đèn phòng từ tối chuyển dần sang sáng mà người viết bài này không hề thấy bóng đèn ở đâu.

Giọng nữ đó được ông Phạm Lê Minh, Giám đốc điều hành khối IoT của công ty, gọi trừu tượng là “cô bé từ trên trời rơi xuống” mà bản chất sâu xa của nó lại là một hành trình dài; từ chỗ công ty sản xuất và bán các sản phẩm chiếu sáng truyền thống, đến nay dần chuyển sang chiếu sáng thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong cung cấp các giải pháp chiếu sáng.

Ông Bùi Khoa Nam (áo đỏ), Trưởng nhóm Nghiên cứu phát triển phần mềm khối IoT của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đang giới thiệu giải pháp chiếu sáng thông minh trong một căn nhà mô phỏng. Cái loa màu đen trên tủ kệ chính là Mai Ca có thể nhận ra giọng nói tiếng Việt và điều khiển chiếu sáng.

Từ bóng đèn

Từ đèn huỳnh quang chuyển sang compact rồi đèn led mất tới hàng chục năm nhưng ông Minh cho biết, công nghệ bùng nổ, từ đèn chiếu sáng led sang chiếu sáng thông minh lại khá nhanh. Trên thế giới xu hướng chiếu sáng thông minh đang phát triển mạnh, trong khi Việt Nam còn chậm, chỉ mới có ở các công trình lớn.

“Mặc dù chúng tôi đã nghiên cứu, bắt nhịp kịp xu hướng chiếu sáng thông minh trên thế giới trong bốn năm qua nhưng phần giải pháp chiếu sáng thông minh còn ít, chỉ chiếm 20% trong tổng doanh thu hàng năm hơn 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên xu hướng thay đổi sắp tới sẽ diễn ra rất nhanh, trước sau gì cũng sẽ phổ biến như việc đèn led vào Việt Nam chỉ mất 2-3 năm”, ông Minh nói.

Có thể đó là lý do mà tòa nhà văn phòng mới của công ty ở Khu công nghệ cao (quận 9), gần như diện tích ở tầng trệt được dùng làm nơi trưng bày, giới thiệu các giải pháp chiếu sáng thông minh, đặc biệt là chiếu sáng cho nhà ở, văn phòng, siêu thị, nhà xưởng, chung cư… được điều khiển bằng giọng nói, qua ứng dụng (app). Đặc biệt nhất trong các công nghệ này là giải pháp chiếu sáng thông minh do công ty nghiên cứu có cảm biến để việc chiếu sáng phù hợp với thời tiết khí hậu vùng miền, bù sáng bằng ánh sáng tự nhiên.

Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang là một trong 30 doanh nghiệp TPHCM nhận giải thưởng Thương hiệu Vàng do UBND TPHCM trao tặng vào ngày 21-1-2021 mà Sở Công Thương TPHCM và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp tổ chức thực hiện.
“Nhiều người nghĩ Điện Quang là công ty bóng đèn, cố gắng bán được nhiều sản phẩm càng tốt nhưng ngược lại, hiện nay chúng tôi đang cung cấp giải pháp chiếu sáng tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời vừa tốt cho sức khỏe, vừa tiết kiệm. Ban ngày sáng thì đèn mờ, trời tối, tự động đèn bù sáng, đủ sáng cho người sử dụng”, ông Minh giới thiệu xu hướng kinh doanh mới của công ty. Đó là chiếu sáng thông minh, dùng app điều khiển, dùng trí tuệ nhân tạo (AI), dùng sensor (cảm biến) để cảm nhận chuyển động, nhiệt độ mà cung cấp ánh sáng phù hợp. Đặc điểm dễ nhận thấy của chiếu sáng thông minh, theo lời ông Minh, người sử dụng đèn sẽ càng không thấy đèn ở đâu cả.

Hay như mùa nóng thì ánh sáng tự động chuyển qua trắng cho mát mẻ. Vào mùa lạnh, ánh sáng sẽ tự động chuyển hơi vàng trông ấm áp. Và hiện nay, công ty còn chuyển sang mảng chiếu sáng nghệ thuật dành cho các công trình và điển hình là công ty ứng dụng ngay cho tòa nhà của mình.

Nhân viên Điện Quang (áo đỏ) đang giới thiệu mô hình giải pháp chiếu sáng nhà thông minh tại Lễ trao giải Thương hiệu Vàng tối 21-1-2021.

Đến chiếu sáng nghệ thuật

Bà Văn Thị Anh Thư, Giám đốc Marketing B2B của Điện Quang, cho biết hiện nay, nhiều dự án bất động sản có nhu cầu giải pháp chiếu sáng thông minh cho công trình, không chỉ bên trong tòa nhà mà còn chiếu sáng nghệ thuật cho cả công trình để tạo nên sự hấp dẫn của khu vực, góp phần làm đẹp đô thị như tòa nhà Landmark 81 và nhiều dự án nhà ở, văn phòng lớn khác.

Người tiêu dùng trong nước và ở hơn 30 quốc gia mà Điện Quang có bán sản phẩm tham quan nhà máy hiện nay của công ty sẽ thấy dây chuyền sản xuất chip led tự động, bằng robot. Ông Minh cho biết nhà máy có công suất 150 triệu chip led mỗi năm trong khi công ty cung cấp ra thị trường 140 triệu sản phẩm đèn/năm, có nghĩa nhà máy mới chỉ đáp ứng 10% chip led, điều đó chứng tỏ xu hướng chiếu sáng đã thay đổi nhanh chóng.
Hiện nay Điện Quang có năm mảng kinh doanh chính là sản phẩm chiếu sáng bán lẻ ở tiệm điện, thiết bị điện, hàng gia dụng, điện mặt trời và điều khiển thông minh nhưng điều khiển thông minh vẫn là mảng mà công ty đang đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và phát triển thị trường.

“Từ chỗ là công ty sản xuất và bán bóng đèn riêng lẻ với thương hiệu đèn tuýp phổ biến trên thị trường thì nay chúng tôi chuyển hẳn sang làm giải pháp chiếu sáng thông minh, được Nhà nước công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ và công ty lựa chọn đặt nhà máy mới cùng văn phòng tại Khu công nghệ cao TPHCM cũng phần nào khẳng định hướng đi này”, ông Minh nói. Và vì chọn hướng đi là công nghệ cao, nên trong các giải pháp chiếu sáng của Điện Quang hiện nay không đi một mình mà có sự phối hợp, liên kết với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, các startup (khởi nghiệp) trong nước. Chẳng hạn Mai Ca, cô gái có giọng nói ngọt ngào ở phần đầu bài viết là một startup Việt mà ngoài Mai Ca, chủ nhân ngôi nhà có thể dùng tiếng Anh để điều khiển khi công ty liên kết với Google.

Khi bước ra khỏi căn nhà mô phỏng đầy đủ phòng ngủ, phòng khách, phòng làm việc, người viết bài này nói: “Mai Ca ơi, tạm biệt”. Giọng “cô gái từ trên trời rơi xuống” ngọt ngào: “Tạm biệt, hẹn gặp lại bạn, yêu cầu của bạn đã được thực hiện”, đèn phòng từ từ tắt, không phải kiểu đột ngột tối như ta dùng công tắc và rèm cửa từ từ kéo lại.

Bên trong nhà máy sản xuất của Điện Quang.


Nguồn: Báo Thương Hiệu Vàng

Bài trước Bài sau

Bình luận

Bình luận của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng lên